Những ‘chuyện lạ’ mùa tuyển sinh năm 2017

(VTC News) – Sau vài năm cải cách giáo dục, nhiều biện pháp đổi mới táo bạo đã được áp dụng tuy nhiên hiệu quả đạt được không biết đáng vui hay buồn, đáng mừng hay đáng lo bởi nhiều “chuyện lạ” khiến dư luận phải dở cười dở mếu.

  1. Hiện tượng “bùng nổ điểm 10”

Kỳ thi THPT quốc gia 2017 vừa qua, số liệu thống kê từ 62 cụm thi trên toàn quốc cho thấy số điểm 10 có đến 4.153 bài thi (tăng hơn 60 lần so với kỳ thi năm trước). Trong đó Hóa học là môn có nhiều điểm 10 nhất với trên 1.500 bài thi, kế đến là ngoại ngữ với trên 1.000 điểm 10, thấp nhất là môn ngữ văn chỉ có 1 điểm 10.

Nếu như kỳ thi tuyển năm 2016, điểm 10 tập trung ở một số môn và vài tỉnh thành thì năm nay bao phủ tất cả các môn cũng như tỉnh thành trong cả nước. Đáng chú ý, phổ điểm 10 lại tập trung rất nhiều ở khu vực miền Bắc và Bắc miền Trung, thấp dần khi vào Nam.

Theo số liệu thống kê đã công bố thì tại khu vực Hà Nội, trong số gần 73.000 thí sinh dự thi có đến 621 bài thi đạt điểm 10. Cụ thể, 10 môn tiếng Anh có 279 thí sinh đạt điểm, 190 điểm 10 môn hóa, 43 điểm 10 môn toán, 34 điểm 10 môn sinh học, môn vật lý 13 điểm 10… Có thể nói đây là con số kỷ lục của Hà Nội vượt rất xa so với các kỳ thi trước.

Tương tự Hà Nội, Nghệ An là khu vực thứ 2 giữ con số kỷ lục về điểm 10. Toàn tỉnh có đến 207 điểm 10. Hai môn có số lượng điểm 10 cao nhất là địa lý và hóa học. Trong đó địa lý có 46 điểm 10 và hóa học có đến 91 điểm 10. Các môn khác: Toán có 22 thí sinh đạt điểm 10, 26 điểm 10 ngoại ngữ, môn sinh 9 điểm 10, lịch sử 5 điểm 10, lý 6 điểm 10, giáo dục công dân 2 điểm 10, còn lại môn văn không có điểm 10 nào.

Các tỉnh có điểm 10 nhiều kế tiếp là Vĩnh Phúc với 139 điểm 10, Hải Dương 131, Nam Định 128, Thái Bình 128, Hà Tĩnh và Hải Phòng 121. Trong tốp “10 địa phương có điểm 10 cao nhất cả nước”, ở khu vực miền Nam chỉ có duy nhất TP.HCM lọt tốp. Thống kê cụm thi TP.HCM có 453 điểm 10 ở các môn thi. Ngoại trừ môn văn, các môn còn lại đều có điểm 10.

Trước sự bùng nổ điểm 10 này, dư luận trái chiều đặt tên là hiện tượng “mưa điểm 10”; số lượng điểm cao là thế tuy nhiên thực lực học và chất lượng giáo dục vẫn là câu hỏi chưa có câu trả lời được dư luận đặc biệt quan tâm.

  1. Ngành Công an, Quân đội điểm chuẩn cao “kỷ lục” 3 điểm 10 chưa chắc đỗ.

Mùa tuyển sinh năm nay, điểm “nóng” không hề kém là điểm chuẩn khối trường công an, quân đội cao đến mức kỷ lục. Trong đó, trường có mức điểm chuẩn cao nhất là Học viện An ninh nhân dân.

Năm 2017, Học viện An ninh nhân dân, Đại học Phòng cháy chữa cháy lấy chuẩn vượt trên điểm tuyệt đối cho nữ, lần lượt 30,5 (ngành Ngôn ngữ Anh, khối D1) và 30,25 (phía Bắc, khối A). Mức này cao hơn năm ngoái lần lượt là 0,75 và 2,65 điểm.

Lý giải nguyên nhân điểm chuẩn cao kỷ lục, đại tá Trần Ngọc Thịnh (Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Học viện An ninh nhân dân) cho rằng: “Thứ nhất, do chỉ tiêu giảm hơn một nửa, toàn khối công an giảm từ 3.200 xuống 1.500 chỉ tiêu. Điểm chuẩn của ngành lên mức 30.5 điểm cũng là do chỉ tiêu ít, số hồ sơ lớn, điểm thi cao.

Thứ hai, năm nay thí sinh đạt điểm môn tự nhiên cao. Đó là lý do sau khi biết điểm, các em được điều chỉnh nguyện vọng nên số học sinh giỏi đăng ký vào trường tăng lên”. Ngành Ngôn ngữ Anh của trường tuyển 20 thí sinh, có 3 chỉ tiêu nữ nhưng có 104 hồ sơ đăng ký vào, tất cả đều đạt 27 điểm trở lên”, ông Thịnh dẫn chứng. Thực trạng thí sinh chen chân vào các ngành công an quân đội chưa chắc đã vì đam mê theo ngành.

  1. 3 điểm/ môn đã đỗ Sư phạm.

Dư luận chưa kịp vội mừng trước cơn bùng nổ điểm 10, chưa thể lý giải được 3 điểm 10 chưa chắc đỗ vào ngành Công an, Quân đội thì lại ngã ngửa bởi 3 điểm/ 1 môn đã đỗ vào ngành Sư phạm. Chưa bao giờ ngành Sư phạm lại bất ngờ tuột dốc đến thê thảm như vậy.

Cụ thể, trong các trường ĐH Sư phạm lớn gồm: Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Thái Nguyên, Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Đại học Sư phạm Vinh, Đại học Sư phạm Huế, Đại học Sư phạm Đà Nẵng và Đại học Sư phạm TP HCM thì chỉ có hai trường ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Sư phạm TPHCM là có điểm chuẩn ổn hơn cả, còn lại các trường khác điểm chuẩn chỉ sít soát hoặc nhích hơn một chút so với điểm sàn của Bộ GD&ĐT.

Thông tin 12,75 điểm đã đậu một số ngành của trường ĐH Sư phạm Huế, ĐH Hùng Vương (Phú Thọ) có 8/10 ngành đào tạo sư phạm có điểm trúng tuyển 15,5; cũng số điểm như thế thí sinh ứng tuyển vào 10/10 ngành sư phạm trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) đã trúng tuyển; hoặc thi THPT 9 điểm đã có thể đỗ sư phạm như các Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh, Cao đẳng Sư phạm Huế… thì chất lượng nghề giáo thật sự chưa bao giờ đáng lo ngại như thế.

Trước thực trạng này, TS Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng) khẳng định những ngành có điểm đầu vào thấp thì chất lượng giáo dục cũng thấp.

Trước thực trạng các ngành Sư phạm phải hạ điểm chuẩn thấp kỷ lục vẫn không hút được thí sinh, ông Lâm cho rằng nhiều thí sinh xa lánh ngành Sư phạm, điều này chứng tỏ ngành này không còn là ngành hot để quan tâm. “Trước kia, học ngành Sư phạm còn có học bổng. Bây giờ, học bổng không còn ý nghĩa với thí sinh. Sư phạm không còn là ngành “hot” được quan tâm, vì sinh viên ra trường thất nghiệp, tiền lương giáo viên thấp. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nhanh chóng thay đổi những chính sách với nhà giáo nhằm thu hút người tài”.

  1. Hơn 110. 000 thí sinh từ chối nhập học.

Ngoài các ngành Công an, Quân đội, hầu hết tất cả các ngành khác đều công bố điểm chuẩn ở mức độ vừa phải, thậm chí tiêu điểm có ngành Sư phạm hạ điểm chuẩn đến mức thấp nhưng vẫn không thể thu hút được thí sinh.

Theo con số thống kê từ Bộ GD-ĐT, trong số 363.600 nghìn thí sinh trúng tuyển đợt 1 theo hình thức xét tuyển dựa trên điểm thi THPT quốc gia thì chỉ có hơn 242.000 thí sinh đến các trường đại học làm thủ tục nhập học, còn lại hơn 110.000 thí sinh đã từ chối cơ hội nhập học của mình.

Con số hơn 110.000 thí sinh trúng tuyển nhưng lại không nhập học là không hề nhỏ. So với trước đây, thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học không phải là không xảy ra, tuy nhiên số lượng đó không đáng kể. Chính sự “bùng nổ” bất thường này đã khiến không ít những bậc phụ huynh và dư luận phải hoang mang lo lắng