Tuyển sinh ĐH, CĐ 2018: Sẽ có nhiều điểm mới

Hàng loạt thay đổi cho kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2018 như: Giảm một nửa điểm ưu tiên giữa các khu vực; điều chỉnh, bổ sung đối tượng được xét tuyển thẳng vào ĐH, CĐ… Đây là một trong những nội dung quan trọng trong Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng, nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy mà Bộ GD&ĐT vừa mới công bố.

Giảm điểm cộng khu vực

Trong vài kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ gần đây, thí sinh cũng như dư luận xã hội cũng đã có nhiều “mổ xẻ” về những bất cập trong chính sách cộng điểm khu vực đối với các thí sinh. Điển hình là năm 2017 vừa qua, đã có trường hợp thí sinh đạt 30 điểm tuyệt đối nhưng vẫn trượt nguyện vọng 1 do không được cộng điểm ưu tiên. Theo thống kê của một số trường ĐH khối Y – Dược, tiêu biểu là ĐH Y Hà Nội, trong số hơn 500 thí sinh trúng tuyển vào ngành Y Đa khoa của trường năm 2017, đại đa số là những thí sinh được cộng điểm, số thí sinh khu vực 3 (không được cộng điểm) chiếm một con số rất “khiêm tốn”.

Do đó, việc Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2018 trong đó nhấn mạnh tới việc điều chỉnh điểm cộng khu vực khiến dư luận hết sức quan tâm. Cụ thể, tại Khoản 5, Điều 7 về khung điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực trong Dự thảo quy định: Mức chênh lệch giữa hai khu vực kế tiếp là 0,25 điểm (thay vì chênh lệch như hiện nay là 0,5 điểm) tương ứng với tổng điểm 3 bài thi/môn thi (trong tổ hợp môn xét tuyển) không nhân hệ số theo thang điểm 10. Như vậy, điểm ưu tiên khu vực cao nhất sẽ là 0,75 điểm dành cho thí sinh khu vực 1. Điểm ưu tiên cho thí sinh khu vực 2 nông thôn, khu vực 2 lần lượt là 0,5 và 0,25 điểm; tức giảm một nửa so với hiện hành.

Có thể thấy, sự điều chỉnh của Bộ GD&ĐT có phần hợp lý hơn so với quy chế hiện hành, việc giảm khoảng cách điểm ưu tiên giữa các khu vực từ 0,5 xuống 0,25 là phù hợp và có thể khắc phục những bất cập trong mùa tuyển sinh năm trước. Mức chênh lệch điểm không quá cao sẽ tạo ra sự công bằng giữa các thí sinh, tạo sự thoải mái cho các trường bởi chất lượng nguồn tuyển được nâng lên. Ngoài ra, các thí sinh cũng có thể hưởng thêm chính sách ưu tiên, cộng điểm khác nếu là học sinh người dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, con em gia đình chính sách…

Nhiều năm theo dõi về tuyển sinh ĐH, CĐ, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội khoa học Tâm lý – Giáo dục Hà Nội cho rằng: “Việc rút ngắn khoảng cách ưu tiên giữa các khu vực như Bộ GD&ĐT đưa ra dự kiến, theo tôi là cần thiết và phù hợp bởi vấn đề này cũng đã được bàn luận quá nhiều sau mỗi kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ những năm gần đây. Nếu tuyển sinh vào ĐH, đặc biệt là các trường “tốp trên” mà vẫn còn hiện tượng học trò được cộng quá nhiều điểm ưu tiên, điểm cộng khu vực thì sẽ tạo ra sự mất công bằng đối với các thí sinh”.

Khối sư phạm sẽ có điểm sàn riêng

Riêng đối với ngành Sư phạm, Dự thảo của Bộ GD&ĐT cũng đã nêu rõ một số thay đổi lớn so với quy định hiện hành. Cụ thể, đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên căn cứ kết quả của kỳ thi THPT Quốc gia, Bộ GD&ĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào các bài thi/môn thi văn hóa sử dụng để xét tuyển. Nếu xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT, điều kiện đối với thí sinh dự thi nhóm ngành đào tạo giáo viên bậc ĐH là phải xếp loại học lực lớp 12 từ Giỏi trở lên. Trình độ CĐ, Trung cấp sư phạm xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT xếp loại học lực lớp 12 từ Khá trở lên.

Ngoài ra, những điều chỉnh của Bộ GD&ĐT cũng tạo ra cơ hội cho các trường đào tạo sư phạm có thể mở rộng diện xét tuyển thẳng đối với các học sinh đã tốt nghiệp trường THPT chuyên của các tỉnh vào các ngành phù hợp với môn học chuyên hoặc môn đạt giải. Điều kiện xét tuyển là thí sinh có ba năm học THPT chuyên của tỉnh đạt Học sinh giỏi hoặc đạt giải Nhất, Nhì, Ba trong các kỳ thi Học sinh giỏi do cấp tỉnh trở lên tổ chức và các điều kiện khác do trường quy định trong đề án tuyển sinh của trường.

Cũng theo Dự thảo, người có bằng Trung cấp ngành Sư phạm loại Giỏi trở lên, người có bằng Trung cấp ngành Sư phạm loại Khá có ít nhất hai năm làm việc theo chuyên ngành hoặc nghề đã được đào tạo được tuyển thẳng vào cùng ngành Sư phạm trình độ Cao đẳng. Ngoài ra, các thí sinh đoạt giải chính thức trong các cuộc thi nghệ thuật quốc tế về ca, múa, nhạc, mỹ thuật được Bộ VH-TT&DL công nhận thì được xét tuyển thẳng vào học các ngành tương ứng trình độ ĐH, CĐ, Trung cấp của các trường năng khiếu, nghệ thuật theo quy định của từng trường.

Một điểm đáng lưu ý nữa trong Dự thảo đó là điểm xét tuyển là tổng điểm các bài thi/môn thi theo thang điểm 10 đối với từng bài thi/môn thi của từng tổ hợp xét tuyển và cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực được làm tròn đến hai chữ số thập phân. Năm 2017, Bộ quy định điểm thi được làm tròn đến 0,25. Như vậy, điểm thi của thí sinh năm nay sẽ chi tiết hơn. Điều này nhằm đảm bảo công bằng hơn cho các thí sinh giúp các trường thuận lợi hơn trong công tác xét tuyển.