Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Giáo dục nghề nghiệp phải làm gì trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4?

 Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ công tác Lao động – người có công và xã hội năm 2018, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thể hiện quyết tâm toàn ngành: Năm 2018, năm bản lề thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 – 2020 để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế – xã hội và Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ với phương châm hành động Chính phủ đề ra: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, toàn ngành Lao động -Thương binh và Xã phải nỗ lực rất lớn, tập trung, quyết liệt thực hiện nhiệm vụ của ngành đã đề ra năm 2018.

  thu tuong

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

          Báo cáo trình bày tại Hội nghị, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp đã nhấn mạnh về kết quả phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Năm 2017, tập trung chỉ đạo, hướng dẫn triển khai Luật giáo dục nghề nghiệp, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp đối với các trường cao đẳng, trường trung cấp từ ngành giáo dục và đào tạo. Đến nay, cả nước có 1.974 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm: 338 trường cao đẳng, 551 trường trung cấp và 1035 trung tâm giáo dục nghề nghiệp.

Triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và hội nhập quốc tế. Năm 2017 cả nước tuyển sinh các cấp trình độ khoảng 2,2 triệu người, đạt 100,2% kế hoạch, trong đó: Tuyển sinh trình độ cao đẳng và trung cấp là 540 nghìn người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng khoảng 1,66 triệu người. Ước tốt nghiệp năm 2017 khoảng 1,9 triệu người; trong đó: Cao đẳng và trung cấp khoảng 400 nghìn người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng khoảng 1,5 triệu người.

bo truong dao ngoc dung 

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị

          Trong phát biểu chỉ đạo quan trọng của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng đã dành nhiều thời gian đặc biệt quan tâm chỉ đạo sâu sắc, toàn diện về công tác giáo dục nghề nghiệp.

Đánh giá về kết quả đạt được trong năm 2017, Thủ tướng nêu rõ: Năm 2017 là năm Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chính thức tiếp nhận nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, Bộ đã quan tâm tổ chức lại hoạt động của lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, với sự nỗ lực của toàn ngành đã đạt và vượt chỉ tiêu tuyển sinh; xuất hiện nhiều mô hình giáo dục nghề nghiệp hoạt động tốt. Đào tạo nghề đã được nhiều thế hệ Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quan tâm tạo dựng để lao động được đào tạo nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp từ trung ương đến địa phương. Trong đề án công nghiệp thông minh, vấn đề đào tạo kỹ năng được đặt ra rất lớn, Thủ tướng khẳng định: Một nền công nghiệp với lực lượng lao động không có tay nghề thì không thể thành công.

Thủ tướng cũng chỉ ra cụ thể những hạn chế của giáo dục nghề nghiệp đó là: Giáo dục nghề nghiệp tuy đã có cải thiện nhưng chưa có chuyển biến mạnh mẽ; chất lượng đào tạo nghề nghiệp chưa thực sự đáp ứng nhu cầu các doanh nghiệp và thị trường lao động; năng suất lao động của Việt Nam còn thấp; sinh viên ra trường nhiều người còn chưa có việc làm. Thủ tướng lưu ý, đào tạo phải gắn với nhu cầu các doanh nghiệp, Hợp tác xã và người dân, khi học phải có kỹ năng để nâng cao năng suất lao động.

          Về nhiệm vụ của lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới, Thủ tướng đã chỉ rõ: Phải nâng cao chất lượng đào tạo nghề; đảm bảo kỹ năng cho nguồn nhân lực đó là chìa khóa thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Phải quán triệt Nghị quyết Trung ương 6 để thực hiện vấn đề tự chủ trong giáo dục nghề nghiệp; Nhà nước có hỗ trợ nhưng phải xã hội hóa theo nhu cầu của xã hội; xã hội hóa đầu tư cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phải tạo ra thị trường đào tạo nhân lực năng động có chất lượng để tăng tỷ lệ lao động được đào tạo. Phải tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia xây dựng trường nghề. Trong cơ chế tài chính phải chuyển từ cấp phát kinh phí sang đặt hàng đào tạo, để làm được phải xây dựng các định mức kinh tế – kỹ thuật đối với các nghề, trước mắt là các nghề trọng điểm. Nâng cao trách nhiệm của các địa phương trong quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm gắn kết chặt chẽ với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, phát triển nguồn nhân lực; khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề. Hoàn thiện các chính sách, các chương trình dự án hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, cho đối tượng chính sách, thanh niên nông thôn, thanh niên mới tốt nghiệp, lao động dôi dư do chuyển đổi đất nông nghiệp. Khắc phục tình trạng đào tạo nhiều kỹ sư, cử nhân mà không sử dụng.

          Thủ tướng cũng nhấn mạnh nhiệm vụ của ngành trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cơ bản dựa trên thành tựu khoa học, công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin. Đặc trưng lớn nhất của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là kết nối người với thiết bị; thiết bị với con người; con người với con người; doanh nghiệp với doanh nghiệp; quốc gia với quốc gia. Phải nắm được đặc trưng này để xử lý những vấn đề phát sinh; phải chủ động giải quyết vấn đề nhân lực, không thì ta phải chịu hệ lụy lớn nhất là đối với ngành nghề nhiều lao động trước nguy cơ mất việc làm. Chính vì vậy ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, đặc biệt là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải chủ động, đồng bộ phát triển khoa học công nghệ; phải có nguồn nhân lực tốt thì mới có khả năng hội nhập. Vì vậy cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải đổi mới theo hướng phát triển công nghệ mới; kỹ năng về công nghệ thông tin. Hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp từ trung ương tới địa phương phải trả lời được câu hỏi là phải làm gì trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để có thay đổi tư duy trong hoạt động. Phải nghiên cứu dự báo nhu cầu ngành, nghề trung hạn, dài hạn để có khả năng chủ động chuẩn bị nhân lực của cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

thu tuong chup anh 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tại Hội nghị

          Phát biểu tham luận tại Hội nghị, Phó Tổng Cục trưởng Trương Anh Dũng đã bày tỏ quyết tâm của toàn ngành và đề xuất 08 giải pháp đổi mới giáo dục nghề nghiệp trong năm 2018:

Một là, hoàn thành việc xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật giáo dục nghề nghiệp. Hoàn thiện thể chế tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Hai là, tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân và xã hội về giáo dục nghề nghiệp.

Ba là, sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, theo hướng mở và linh hoạt đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động.

Bốn là, làm tốt công tác tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp năm 2018 theo phương châm lấy chất lượng và hiệu quả đào tạo là mục tiêu hàng đầu; không chạy theo số lượng chỉ tiêu tuyển sinh; tổ chức đào tạo gắn với nhu cầu việc làm của người học và nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Một mặt, cần tập trung cao độ và có giải pháp hiệu quả để thực hiện tốt công tác tuyển sinh cao đẳng, trung cấp hệ chính quy tập trung; mặt khác cần triển khai mạnh việc đào tạo thường xuyên theo hình thức vừa học, vừa làm, ưu tiên đào tạo lại nhân lực đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đào tạo bổ sung, nhất là cho công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, cho sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm để chuyển sang làm việc tại những lĩnh vực còn thiếu lao động như công nghệ thông tin, du lịch,…

Năm là, tiếp tục tăng cường các yếu tố đảm bảo chất lượng và kiểm soát chất lượng. Tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng đào tạo qua việc triển khai thực chất, đồng bộ 03 giải pháp đột phá đã xác định trong Đề án Đổi mới: Chuẩn hóa giáo dục nghề nghiệp tiếp cận với trình độ các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới; Thực hiện lộ trình tự chủ đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và có cơ chế tài chính phù hợp để huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp; Triển khai một số nội dung hợp tác thực chất, hiệu quả với doanh nghiệp.

Sáu là, thúc đẩy, triển khai khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên, nhất là trong các trường chất lượng cao và ngành, nghề trọng điểm.

Bảy là, tăng cường năng lực quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, năng lực quản trị cơ sở giáo dục nghề nghiệp và năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý và đội ngũ nhà giáo giảng dạy giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Tám là, triển khai mạnh mẽ các ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành của cơ quan quản lý nhà nước; trong dạy và học của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, đặc biệt tập trung triển khai dịch vụ công trực tuyến đối với những dịch vụ cơ bản trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp./.